Giải thích nghịch lý trong hoạt động thể chất (phần 2)

Giải thích nghịch lý trong hoạt động thể chất (phần 2)

Ở bài viết trước, độc giả đã được biết đến khái niệm chỉ số PA (mức độ sử dụng thể lực) và thông qua bài nghiên cứu được đăng trên tạp chí Y học Lancet, ta đã biết được rằng không phải cứ tập luyện thể dục thể thao là tốt cho sức khỏe. Bài viết này sẽ cung cấp thêm bằng chứng cũng như xem xét thêm những bài nghiên cứu khác, để đưa đến cho mọi người cái nhìn đa chiều hơn về chỉ số PA. Ngoài ra liên hệ nó với chứng mất trí nhớ và bệnh tim mạch.
Xem lại bài viết số 1 tại đây

Thế nào là PA tốt, PA xấu? (PA = mức độ sử dụng thể lực)

Tiến sĩ Kristen Nabe-Neilsen, tác giả của nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Y học Lancet nói rằng “Tổ chức Y tế Thế Giới khuyến cáo rằng để ngăn ngừa chứng mất trí nhớ cũng như những bệnh tật khác thì việc rèn luyện thể lực là điều cần thiết. Tuy nhiên nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng nên tập luyện ‘tốt’- có nghĩ là tập thể dục ở những thời điểm thích hợp và với tần suất, cường độ phù hợp – mới mang lại lợi ích thực sự, thay vì tập luyện theo chế độ quá khắt khe.”

Ngoài chứng mất trí nhớ, một nghiên cứu khác gần đây còn bổ sung thêm nhiều bằng chứng về mối quan hệ giữa PA ngành nghề và nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Phân tích cắt ngang từ dữ liệu của Hoa Kỳ từ Viện An toàn và Sức khỏe Lao động Quốc Gia (the National Institute for Occupational Safety and Health) đã cho thấy rằng tỉ lệ mắc bệnh tim mạch (CVD – cardiovascular disease) cao hơn ở nhóm những người “luôn luôn” thực hiện tất cả những hoạt động nghề nghiệp hoặc đứng quá lâu hoặc đi lại quá nhiều, tỉ lệ này thấp hơn ở nhóm những người “không bao giờ” hoặc ít tham gia vào các hoạt động kể trên trong thời gian dài. (tỷ số chênh, [OR]=1.99; Lao động quá sức (OR, 2.15), hoặc đứng quá lâu hoặc đi lại quá nhiều (OR, 1.84)). (*)

Trả lời phỏng vấn với chủ nhân của bài nghiên cứu này, Tiến sĩ Tyler Quinn, Đại học West Virginia Morgantown cho biết: “Những khuyến cáo toàn quốc về PA đã bao gồm việc tuyên truyền về PA nghề nghiệp đến với mọi người. Tuy nhiên nhìn nhận một cách rõ ràng ta nhận thấy: với nhóm người có tài chính thấp, thuộc chủng tộc, dân tộc thiểu số, họ đang có PA cao hơn mức ‘tốt’ cũng như không nhận được lợi ích từ việc khuyến cáo PA.”

Những tác động đối lập giữa PA thời gian rảnh rỗi và PA nghề nghiệp đã dẫn đến “nghịch lý hoạt động thể chất”. Bắt đầu từ năm 2011, nhiều nghiên cứu của tác giả Andreas Holtermann thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia về Môi Trường Làm Việc đã góp thêm bằng chứng cho lý thuyết về nghịch lý PA, cũng như rất nhiều bài nghiên cứu về sau củng cố thêm lý thuyết này.

Mặc dù lý thuyết về nghịch lý PA đã được “chấp thuận” trong vài năm trở lại đây, vẫn đang có một lượng lớn các nghiên cứu xác nhận được nghịch lý này là hợp lý.

Trong những cuộc phỏng vấn riêng, hai nhà nghiên cứu Shribekk và Quinn cũng dã chỉ ra rằng nghịch lý PA là giải thích hợp lý cho những dữ liệu mà họ tìm được, và lý thuyết này cũng giúp hợp lý hóa về cơ chế bệnh sinh, về nguyên nhân của những tác động có hại liên quan đến PA nghề nghiệp trong liên hệ với não và tim, thậm chí giúp hợp lý hóa về tỉ lệ tử vong ở những đối tượng nghiên cứu.

Tác giả Shirbekk cho biết: “Rõ ràng là PA trong thời gian rảnh rỗi của một người có thể là một con số tích cực, nhưng ở nơi làm việc, kết quả lại hoàn toàn ngược lại. Cơ chế hợp lý có thể giải thích cho lý do tại sao PA nghề nghiệp lại làm tăng nguy cơ suy giảm trí nhớ vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn và chúng ta cần nhiều dữ kiện hơn nữa. Tuy nhiên giờ đây chúng ta có thể khẳng định rằng yêu cầu thể chất của nghề nghiệp càng cào thì thể tích vùng đồi hải mã càng giảm (vùng xử lý, lưu trữ thông tin) cũng như trí nhớ của chúng ta sẽ kém đi.”

Thêm nữa, bài nghiên cứu cũng cho thấy rằng những cá nhân có công việc yêu cầu cao, về cả mặt tâm lý lẫn thể chất, nếu họ có ít khả năng sắp xếp và kiểm soát công việc thì nhận thức của họ sẽ bị sa sút. Điều này được thể hiện trong bài kiểm tra nhận thức mà nhóm nghiên cứu đưa ra.

Tiến sĩ Shirbekk cho biết thêm: “Chúng tôi chủ yếu tập trung vào những ngành nghề có khối lượng công việc lớn và người lao động có ít tự do, sáng tạo trong công việc, như điều dưỡng, nhân viên dọn dẹp văn phòng, vú nuôi, và những nghề chăm sóc khác. Những người tham gia chia sẻ rằng công việc của họ không được nghỉ ngơi nhiều, họ có trách nhiệm cần gánh vác cũng như người thân cần phải chăm sóc. Điều đó thực sự không dễ chịu chút nào và vô cùng áp lực. Chúng tôi đã tìm mối liên hệ ở các phương diện tâm lý nữa.”

Đặc thù công việc – sự gò bó và dập khuân

Đặc thù công việc là một nguyên nhân gián tiếp dẫn đến những công việc được nghiên cứu có PA nghề nghiệp cao – không giúp kích thích nhận thức, thiếu liên hệ với lối sống cá nhân cũng như dễ bị ảnh hưởng bởi kinh tế xã hội – đi kèm với đó là những nguyên nhân trực tiếp khác như thời gian làm việc kéo dài, công việc lặp đi lặp lại đơn điệu, không đòi hỏi khả năng lên kế hoạch của người lao động, và căng thẳng, tất cả đều ảnh hưởng đến khả năng rèn luyện nhận thức của con người.

Ngược lại, những hoạt động thể chất trong thời gian rảnh thì không kéo dài, mang tính kết nối xã hội, giúp người tham gia vui chơi và sản sinh năng lượng tích cực. Đồng thời, người tham gia hoàn toàn có thể tự do chuyển sang loại hình hoạt động khác nếu muốn, như vậy thoải mái hơn nhiều so với việc bắt buộc phải thực hiện một loại hình rèn luyện cố định. Chỉ số PA quá thấp hoặc quá cao đều có thể khiến nhận thức bị ảnh hưởng – do đó chỉ số PA ở mức vừa phải như đi được 10,000 bước chân mỗi ngày, là một con số tốt để duy trì sức khỏe nhận thức.

Nguy cơ mắc bệnh tim mạch phần lớn liên quan đến chỉ số PA nghề nghiệp, nhất là đối với những hoạt động nặng như nâng hay mang vác đồ vật trong một thời gian dài. Trong khi đó việc đứng hoặc đi bộ cũng có liên quan đến nguy cơ bệnh tim mạch, tuy nhiên không nguy hiểm bằng việc mang/ vác. Như vậy có thể hiểu đơn giản, trong một quãng thời gian làm việc dài tương đương, nếu công việc yêu cầu sử dụng nhiều thể lực hơn thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn.

Một cá nhân có thể dừng PA thời gian rảnh rỗi khi họ mệt, tuy nhiên PA công việc thì không, họ không có quyền tự chủ trong việc kiểm soát PA công việc dù cho cơ thể họ đã mệt.

Vì vậy trong nhiều trường hợp, những cá nhân này không dành thời gian để phục hồi cơ thể khi cần. Lợi ích của việc hiểu biết về PA là biết nghỉ ngơi và hoạt động cân bằng, điều độ.

Bài nghiên cứu về mối quan hệ giữa PA nghề nghiệp với nguy cơ mắc bệnh tim mạch đã chỉ ra rằng: chỉ số PA nghề nghiệp tăng dẫn đến làm tăng các đáp ứng, hay hoạt động của hệ tim mạch. Những đáp ứng này nếu được kích thích quá mức trong thời gian dài sẽ dẫn đến tăng khả năng mắc bệnh tim mạch. Ví dụ, trong 24 giờ, nhịp tim trong vài giờ khi thức dậy (gần tương đương với nhịp tim khi nghỉ), huyết áp tâm trương khi không làm việc, tất cả đều sẽ cao hơn nếu ngày hôm đó chúng ta làm việc. Ngoài ra, mức độ căng thẳng (stress) cũng sẽ làm tăng nguy cơ này.

Những bế tắc trong nghiên cứu

Hiện nay có những chiến lược có khả năng làm giảm nguy cơ mắc suy giảm nhận thức cho những đối tượng có PA nghề nghiệp cao. Chìa khóa không nằm ở việc thay đổi ngành nghề có PA thấp hơn, mặt khác khi đổi nghề thì chưa chắc nhận thức đã được cải thiện. Điều quan trọng đến là việc thay đổi lối sống. Chính điều này quyết định đến chất lượng cuộc sống cũng như sức khỏe nhận thức của một cá nhân trong suốt vòng đời của họ.

Nhiều bác sĩ lâm sàng có phản ánh lại rằng dù đã đưa ra lời khuyên về việc thay đổi lối sống cho bệnh nhân nhưng không nhận thấy được sự cải thiện. Tuy nhiên cần biết rằng những thói quen như ngừng hút thuốc, ăn uống lành mạnh hay ngủ đủ giấc không thể đem lại hiệu quả ngay tức khắc mà cần thời gian. Những thói quen tốt sẽ đem lại lợi ích lâu dài và cho toàn bộ cơ thể, dù là tim mạch hay trí não. Ngoài ra các bác sĩ lâm sàng cần phải đánh giá được PA nghề nghiệp của bệnh nhân dựa vào thời gian biểu của họ, từ đó đưa ra chiến lược cải thiện sức khỏe chi tiết và hợp lý với từng người.

Tiến sĩ Quinn – tác giả của bài nghiên cứu về PA nghề nghiệp – cho rằng việc mong đợi bệnh nhân tự thay đổi PA nghề nghiệp là bất khả thi, bởi họ không có quyền kiểm soát PA nghề nghiệp.

Vấn đề nên được thay đổi từ việc kiểm soát hành chính và thay đổi chính sách của doanh nghiệp, đó chính là đòn bẩy. Nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Quinn đã và đang cố gắng để giảm giờ làm hoặc giảm khối lượng công việc cho bệnh nhân bằng cách đưa ra những mục tiêu cho bệnh nhân thực hiện. Những mục tiêu này nhằm loại bỏ những tác nhân tiềm tàng, âm thầm làm cho PA nghề nghiệp của bệnh nhân tăng (ví dụ như tăng ca, làm thêm ngày nghỉ,…)

Tuy nhiên không thể khẳng định rằng PA nghề nghiệp là có hại hoàn toàn, thậm chí còn có thể có lợi tương đương với PA rảnh rỗi, ít nhất là xét trong bệnh lý tim mạch. Lấy dẫn chứng từ Nghiên cứu Dịch thễ học nông thôn và thành thị hướng đến tương lai (PURE) quy tụ 130,000 người tham gia đến từ các nước có thu nhập cao, trung bình và thấp. Nghiên cứu này cho thấy, với bất cứ PA đến từ hoạt động giải trí hay không giải trí, nếu cao thì đều làm giảm nguy cơ và tỉ lệ mắc bệnh tim mạch cũng như những biến chứng tim mạch.

Câu hỏi đặt ra là liệu có thêm nghiên cứu bổ sung nào khác giải quyết rõ các tác động mâu thuẫn của hoạt động nghề nghiệp cũng như PA rảnh rỗi một cách thỏa đáng hay không?

Trả lời cho câu hỏi trên, tiến sĩ Shirbekk có nói: “Ngay cả những nghiên cứu mới cũng có thể sử dụng cơ sở dữ liệu cũ. Thị trường lao động và nhu cầu công việc thay đổi theo thời gian. Hiện nay có nhiều công việc mới cũng như đặc thù công việc tăng cao hơn so với 20 hoặc 40 năm trước, đòi hỏi người lao động cần có trình độ cũng như kỹ thuật cao hơn. Ngoài ra, xu hướng làm việc tại nhà đang dần chiếm ưu thế, điều này cũng có thể thay đổi lối sống, thay đổi về giấc ngủ và nhận thức của mỗi cá nhân. Cần nhiều dữ liệu hơn về xu hướng làm việc này cũng như những hậu quả mà nó có thể đem lại.” 

Bình đẳng về chăm sóc sức khỏe

Tiến sĩ Shirbekk thông tin thêm “Cần có nhiều nghiên cứu hơn về việc các yếu tố xã hội quyết định đến sự duy giảm nhận thức và chứng mất trí nhớ như thế nào. Nhiều nghiên cứu hiện nay sử dụng hình thức tự báo cáo – tức là để người nghiên cứu báo cáo về những việc chính bản thân họ đã làm trong quá khứ. Điều này sẽ dẫn đến rắc rối cho những người bị suy giảm nhận thức hoặc thông tin báo cáo sẽ bị sai lệch và khác so với thông tin được phỏng vấn, điều này sẽ dẫn đến thiếu nhất quán.” 

Ngoài ra, góp ý thêm của tiến sĩ Quinn: cần làm rõ hai khái niệm PA trong thời gian rảnh (PA rảnh rỗi) và PA trong khi hành nghề (PA nghề nghiệp) để có thể phản ánh chính xác nhất kết quả nghiên cứu.

Cả hai tác giả đều chỉ ra rằng những tổn hại về mặt thể chất cũng như trí não mà PA nghề nghiệp mang lại cho những người lao động thấp là một vấn đề cần được quan tâm, và cần có sự công bằng về PA giữa các nhóm người lao động với nhau. Tiến sĩ Quinn cho biết: “Rất nhiều người có PA nghề nghiệp cao đang là những lao động thuộc nhóm có thu nhập thấp trong xã hội hoặc những người thuộc chủng tộc/ dân tộc thiểu số. Đồng thời, họ không nhận được những hướng dẫn điều chỉnh PA thích đáng.”

Holterman, một nhà nghiên cứu được coi là người đã thực hiện nhiều nghiên cứu nhất về nghịch lý PA cho đến nay, đã đưa ra ý kiến trong một bài viết rằng phần lớn những người lao động có PA nghề nghiệp cao có địa vị kinh tế xã hội thấp, do đó điều cần làm là “định nghĩa những khái niệm, sự thật khoa học đằng sau nghịch lý sức khỏe PA một cách đơn giản, cũng như xác định được những mục tiêu, đối tượng cần tác động theo chiều dọc. Đó là các bước vô cùng quan trọng để giảm bớt sự bất bình đẳng về chăm sóc sức khỏe theo phân nhóm kinh tế xã hội trên toàn cầu.