Khuyến cáo chỉ ra rằng, trong mỗi bữa ăn, chúng ta nên sử dụng muối i-ốt thay vì muối thông thường. Trong hơn 100 năm qua, muối i-ốt đóng vai trò trụ cột trong công cuộc nỗ lực ngăn ngừa các bệnh thiếu hụt, rối loạn chuyển hóa i-ốt. (iodine deficiency disorders – IDD).
Trong 20 năm trở lại đây, chế độ ăn của người Mỹ đã và đang giảm lượng i-ốt do người dân có xu hướng chú trọng vào chế độ ăn ít natri, đồng thời ngày càng nhiều người phụ thuộc vào các thực phẩm chế biến sẵn – những thực phẩm chứa một lượng lớn muối biển hoặc muối kosher, do vị mặn của những loại muối này tinh khiết hơn muối i-ốt. Sự chuyển dịch trong chế độ ăn này dẫn đến việc tình trạng thâm hụt i-ốt tăng lên, đặc biệt là với nhóm dân số có vấn đề về dinh dưỡng.
I-ốt là một chất cần thiết cho quá trình tổng hợp hormon tuyến giáp; việc thiếu i-ốt sẽ dẫn đến các bệnh liên quan, và các bệnh rối loại chuyển hóa i-ốt, chẳng hạn như bướu cổ và suy giáp.
Chúng ta cần dung nạp bao nhiêu i-ốt mỗi ngày?
Theo cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, khuyến cáo lượng i-ốt cần cung cấp hàng ngày cho cơ thể là 150µg đối với người trên 13 tuổi, trong lứa tuổi thanh thiếu niên và người trưởng thành.
I-ốt được coi là một dấu ấn sinh học quan trọng nhằm xác định tình trạng dinh dưỡng của dân cư trong một khu vực nhất định. Nồng độ i-ốt trung bình trong nước tiểu được sử dụng để đánh giá cho tình trạng chung của cơ thể.
Tuy nhiên do nồng độ i-ốt trong máu thay đổi hàng ngày và thậm chí là hàng giờ, và tùy thuộc vào thể tạng của mỗi người, cho nên không thể sử dụng phép đo i-ốt trong nước tiểu tại chỗ hoặc đo trong 24 giờ để chuẩn đoán tình trạng thiếu i-ốt ở bệnh nhân.
Thiếu i-ốt và muối i-ốt
Có nhiều khu vực trên thế giới được ghi nhận đang nằm trong tình trạng “thiếu i-ốt” xuyên suốt nhiều thế kỉ.
Trong 3 thập kỉ trở lại đây, 113 quốc gia trong tình trạng thiếu i-ốt và thông qua các chiến dịch “i-ốt hóa”, các quốc gia này đã được cải thiện được tình trạng thiếu i-ốt một cách đáng kể, từ đó giảm tỉ lệ IDD.
Trong lịch sử loài người, từ khi muối được phát minh ra, muối được sử dụng rộng rãi và việc bổ sung muối không quá tốn kém, hầu hết ai cũng tiêu thụ một lượng muối nhất định hằng ngày.
Tuy nhiên nếu bất cứ ai muốn thay đổi lượng muối tiêu thụ hàng ngày của mình, chẳng hạn để giảm nguy cơ tim mạch, thì nên điều chỉnh cùng chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ để làm sao vẫn giữ được lượng i-ốt ổn định.
Theo ước tính, trong 25 năm qua, việc sử dụng muối i-ốt đã ngăn ngừa tình trạng thiếu i-ốt ở 20,5 triệu trẻ em sơ sinh hàng năm, mang lại những cải thiện về phát triển nhận thức và tiềm năng kinh tế trong tương lai với lợi ích ước tính đóng góp gần 33 tỷ USD nhờ vào việc nguồn lao động dự trữ ở nhóm tuổi dưới lao động được đảm bảo.
Đây chính là một trong những thành tựu y tế công cộng nổi bật xứng đáng được dành nhiều lời khen hơn. Hiện nay, việc ngăn ngừa tình trạng IDD trong cộng đồng vẫn đang diễn ra. Trong đó có 21 quốc gia vẫn đang nằm trong tình trạng thiếu i-ốt tuy nhiên tình trạng thiếu i-ốt mở mức nhẹ và vừa ở phụ nữ đang mang thai ở nhiều nước về mặt tổng quan vẫn được coi là tình trạng không đáng báo động.
Muối i-ốt và các nguồn cung cấp i-ốt khác
Nhắc lại câu chuyện của một thế kỉ trước ở miền Bắc Hoa Kỳ - nơi được coi là “vành đai bướu cổ” của quốc gia này. Trung tâm của “vành đai bướu cổ” (goiter belt) là vùng Great Lakes, nơi có tới 70% trẻ đang nằm trong độ tuổi đến trường thuộc diện thiếu i-ốt.
Chiến dịch i-ốt hóa được đề xuất tiến hành ở Mỹ vào năm 1924. Đến những năm 40 của thế kỉ XX, Hoa Kỳ đã cung cấp đủ chỉ tiêu i-ốt/người. Tuy nhiên từ đầu những năm 70 đến những năm 90, lượng i-ốt tiêu thụ đã giảm một nửa. Đồng thời trong một thập kỉ vừa qua, tình trạng thiếu hụt i-ốt mức nhẹ đã xuất hiện trở lại ở phụ nữ mang thai.
I-ốt hóa chưa bao giờ là một chiến dịch bắt buộc ở Hoa Kỳ. Khoảng ¾ lượng muối tiêu thụ ở Hoa Kỳ đến từ thực phẩm chế biến sẵn, và phần lớn nhà sản xuất không sử dụng muối i-ốt trong quá trình sản xuất, do tính chất thương mại. Lượng muối i-ốt của người dân ăn hằng ngày chỉ chiếm 10% tổng lượng muối và phần lớn đến từ những bữa ăn gia đình tự nấu.
Các nghiên cứu gần đây ước tình rằng chỉ có một nửa số muối bán ra cho các gia đình ở Mỹ là có i-ốt (hầu hết còn lại là muối biển hoặc muối kosher, hai loại muối này đều không có i-ốt). Việc xác định hàm lượng i-ốt có trong thực phẩm là một điều khó với người tiêu dùng, cho phần lớn nhãn bao bì không đề cập đến lượng i-ốt trong sản phẩm.
Tại Hoa Kỳ, sữa và các thực phẩm khác từ sữa thường là nguồn cung cấp i-ốt chính trong chế độ ăn. Sữa bò có chứa lượng i-ốt do thực phẩm của gia súc có chứa i-ốt, ngoài ra còn do ngành công nghiệp sữa sử dụng chất tẩy rửa iodophor (nhằm tiệt trùng sữa). Trung bình, một khẩu phần sữa bò có chứa 85 µg i-ốt trong khi các sản phẩm sữa hạt thay thế sữa bò như sữa hạnh nhân, sữa đậu nành lại chứa một lượng i-ốt rất nhỏ và không đáng kể. Do vậy, những người không thường xuyên tiêu thụ những sản phẩm từ sữa và những người ăn chay sẽ có nguy cơ thiếu i-ốt cao hơn.
Các nguồn cung i-ốt tốt khác có thể kể đến như hải sản, trứng và một số loại bánh mì công nghiệp (những loại có chứa chất điều vị i-ốt)
Tình trạng phụ nữ mang thai thiếu i-ốt
Lượng i-ốt hấp thụ quá ít trong quá trình mang thai và trong giai đoạn đầu đời ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ. Thiếu i-ốt nghiêm trọng ở sản phụ có thể dẫn đến nguy cơ xảy thai, thai chết lưu (chết trong bụng mẹ), dị tật bẩm sinh, tử vong chu sinh (chết trong thời kì sắp sinh) và tử vong trong thời kì sơ sinh. Hormon tuyến giáp có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bình thường của não. Trong thời kì mang thai hoặc trong giai đoạn đầu đời của trẻ, chỉ cần thiếu i-ốt mở mức độ nhẹ hoặc vừa cũng sẽ làm giảm chỉ số IQ (chỉ số thông minh).
Trong một thai kì bình thường, cơ thể mẹ sẽ tăng cường sản xuất hormon tuyến giáp thêm 50%, đòi hỏi người mẹ cần tăng cường dung nạp i-ốt. Vào nửa sau của giai đoạn thai nghén, một lượng i-ốt nhất định sẽ được chuyển sang thai nhi khi tuyến giáp của thai nhi bắt đầu hoạt động. Ngoài ra, lượng i-ốt mất qua nước tiểu cũng sẽ tăng lên trong giai đoạn mang thai.
Như đã nhắc ở trên, trong 10 năm qua, tình trạng thiếu i-ốt ở mức độ vừa và nhẹ đã xuất hiện trở lại tại Hoa Kỳ. Điều này khiến dấy lên lo ngại về sự phát triển não bộ của thai nhi, trực tiếp gây ảnh hưởng đến trí tuệ lao động của đất nước này. Hiệp hội Tuyến giáp Hoa Kỳ và Viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo rằng những người phụ nữ mang thai hoặc có kế hoạch mang thai hoặc đang cho con bú nên uống thực phẩm bổ sung hàng ngày có chứa 150 µg i-ốt để đáp ứng nhu cầu i-ốt cho cơ thể mẹ và bé.
Tuy nhiên, hơn 40% vitamin tổng hợp dành cho bà bầu bán chạy nhất Hoa Kỳ không có chứa i-ốt. Các công thức vitamon tổng hợp dành cho bà bầu được bán trên thị trường dưới dạng không kê đơn có nhiều khả năng chứa i-ốt hơn là
các sản phẩm kê đơn. (Dữ liệu được thu thập từ Viện Y học Quốc gia về nhãn mác các thực phẩm bổ sung trên thị trường).
Phụ nữ đang cho con bú có nhu cầu i-ốt cao vì i-ốt được tiết nhiều vào sữa mẹ - đóng vai trò là nguồn dinh dưỡng cực kỳ quan trọng cho trẻ. Nhu cầu iốt của mẹ sẽ tăng lên 220-250 µg/ngày khi mang thai và 250-290 µg/ngày trong thời kỳ cho con bú.
I-ốt là một chất dinh dưỡng thiết yếu không thể thiếu, đặc biệt là trong thai kỳ.
Trong nhiều thập kỉ qua, kể từ khi thành công loại bỏ “vành đai bướu cổ” Hoa Kỳ, các nhà cung cấp dịch vụ y tế và ngành y tế công cộng nói chung dần xem nhẹ và thiếu cảnh giác đối với những hậu quả của tình trạng thiếu i-ốt.
Sắp tròn 100 năm kể từ khi muối i-ốt được đưa vào thực đơn của Hoa Kỳ một cách nghiêm túc hơn. Giờ đây chính là thời điểm thích hợp để tập trung đảm bảo rằng người dân Hoa Kỳ có thể tiếp tục duy trì một chế độ dinh dưỡng có sự cung cấp i-ốt ở mức tối ưu.