SAU ĐIỀU TRỊ I ỐT PHÓNG XẠ BAO LÂU THÌ CÓ THỂ CÓ THAI AN TOÀN?

SAU ĐIỀU TRỊ I ỐT PHÓNG XẠ BAO LÂU THÌ CÓ THỂ CÓ THAI AN TOÀN?

       Ung thư tuyến giáp hiện nay được đánh giá là 1 trong những loại ung thư thường gặp nhất ở những người trẻ tuổi (<40t), hơn nữa lại chủ yếu gặp ở phụ nữ. Rất nhiều người bệnh sau điều trị có nhu cầu sinh con, nhiều người đã trải qua điều trị đang rất lo lắng rằng liệu quá trình mang thai có an toàn hay không, và nếu phải uống I131 thì khi nào có thai sẽ an toàn? Thông tin trong bài viết này sẽ giúp chị em hiểu đc phần nào về vấn đề này.
       Liệu pháp Iod phóng xạ sau khi cắt toàn bộ tuyến giáp ở bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể biệt hóa: thường được sử dụng để tiêu diệt nốt nhu mô tuyến giáp hoặc tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật. Đây cũng là 1 trong các phương pháp điều trị ở những bệnh nhân có tình trạng bệnh dai dẳng hoặc tái phát, giúp cải thiện thời gian sống thêm và thời gian sống thêm không bệnh. Một trong các tác dụng phụ của I131 là ảnh hưởng tới mô buồng trứng và hậu quả thường là thiểu kinh, mất kinh tạm thời hoặc mãn kinh sớm. Phơi nhiễm phóng xạ cũng là yếu tố nguy cơ gây các đột biến gen bất thường khác.
       Năm 2015, Hiệp hội tuyến giáp Mỹ đã đưa ra hướng dẫn trong đó khuyến cáo mạnh mẽ rằng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã được điều trị I131 nên có tình trạng về âm tính trước khi có thai và nên tránh mang thai trong khoảng 6-12 tháng sau khi uống Iod phóng xạ.
       Năm 2017, Hiệp hội này cập nhật khuyến nghị trì hoãn mang thai, giảm khoảng thời gian khuyến cáo xuống còn 6 tháng, tuy nhiên những bằng chứng ủng hộ vẫn chưa thật sự nhiều. Hướng dẫn của Hiệp hội châu Âu về điều trị y học hạt nhân vẫn khuyến cáo tránh mang thai và nên sử dụng các biện pháp tránh thai hiệu quả từ 6-12 tháng sau khi uống I131.
       Các nghiên cứu trước đây với quy mô khá khiêm tốn và chưa theo dõi được thời gian thật sự dài về những nguy cơ mà phụ nữ mang thai có thể mắc phải sau khi điều trị I131. Các bất thường này có thể là: sảy thai, thai lưu, đẻ non và dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Các nghiên cứu trước đây được thực hiện với số lượng bệnh nhân tham gia, trong đó số phụ nữ có thai chỉ từ 87-1491 người, các nghiên cứu đó được thực hiện ở Châu Âu, Italy, Hồng Kong và Trung Quốc tại thời điểm cách hiện tại khá xa, thường từ những năm 1990s, điều này có thể ảnh hưởng tới kết quả hiện tại, khi mà ngành sản khoa và các chỉ định điều trị I131 đã thay đổi rất nhiều.
       Một nghiên cứu mới nhất, kết quả được đăng báo năm 2019, được thực hiện tại Hàn Quốc với 111.459 bệnh nhân là phụ nữ được điều trị ung thư tuyến giáp thể biệt hóa, độ tuổi từ 20-49 tham gia, trong đó có tới 10.842 phụ nữ mang thai, quy mô nghiên cứu gấp nhiều lần các nghiên cứu trước đây.
       Các bệnh nhân tham gia nghiên cứu được phân làm 2 nhóm:
       - Nhóm I, chỉ được phẫu thuật ung thư tuyến giáp đơn thuần và theo dõi sau mổ, nhóm này có 59.483 bệnh nhân, chiếm 53,45%.
       - Nhóm II, bệnh nhân được phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp và điều trị bổ trợ bằng I131 tiếp sau đó, gồm 51.976 bệnh nhân, chiếm 46,6%.
       Dữ liệu về có thai sau điều trị được thu thập từ năm 2008-2017. Các chỉ số nghiên cứu bao gồm tỉ lệ sảy thai, đẻ non và dị tật bẩm sinh được đánh giá và so sánh giữa 2 nhóm nhằm đưa ra những kết luận về tác hại của I131.
       Kết quả cho thấy trong số 111.459 phụ nữ tham gia nghiên cứu, đã có 10.842 phụ nữ mang thai sau điều trị (9,7%) trong đó nhóm I là 5.958 người, nhóm II là 4.884 người. Tỷ lệ sảy thai, đẻ non và dị tật bẩm sinh giữa 2 nhóm: phẫu thuật đơn thuần với phẫu thuật + I131 lần lượt là: 30,7% và 32,1% sảy thai, 12,8% và 12,8% đẻ non, 8,9% và 9,0% dị tật bẩm sinh, sự khác biệt giữa 2 nhóm không có ý nghĩa thống kê (p>0,05).
       Khi đánh giá kỹ hơn về thời gian kể từ khi điều trị I131 cho tới khi mang thai, kết quả cho thấy có 13,3% dị tật bẩm sinh trong khoảng 0-5 tháng sau I131, 7,9% khoảng 6-11 tháng và 8,3% khoảng 12-23 tháng và 9,6% với nhóm > 24 tháng. Phân tích số liệu cho thấy với những phụ nữ mang thai trong khoảng 0-5 tháng sau điều trị I131 có nguy cơ dị tật bẩm sinh cao hơn gấp 1,74 lần, có ý nghĩa thống kê so với những phụ nữ mang thai sau điều trị I131 12-23 tháng. Tỉ lệ sảy thai theo khoảng thời gian tương tự là 60,6% với nhóm 0-5 tháng, 30,1% nhóm 6-11 tháng, 27,4% cho nhóm 12-23 tháng và 31,9% cho nhóm >24 tháng. Mang thai sớm trước 6 tháng sau điều trị I131 làm tăng tỉ lệ xảy thai đáng kể, có ý nghĩa thống kê.
       Tỉ lệ xảy thai khi mang thai sau I131 6 tháng và sau 12 tháng không có sự khác biệt mang ý nghĩa thống kê.
       Mang thai sau tuổi 40 làm tăng tỉ lệ sảy thai một cách rõ rệt.
       Về tỉ lệ đẻ non, trong nhóm có điều trị I131, 10% mang thai sau 0-5 tháng, 12,3% mang thai sau 6-11 tháng, 11,3% mang thai sau 12-23 tháng và 14,9% mang thai sau hơn 24 tháng điều trị I131.
Về liều I131, phân tích cho thấy liều I131 tích lũy không có mối liên quan nào với nguy cơ bị dị tật bẩm sinh của thai nhi.

       Kết luận của nghiên cứu: Số liệu phân tích cho thấy việc uống I131 sau khi phẫu thuật điều trị ung thư tuyến giáp không làm tăng nguy cơ cho quá trình mang thai nếu người bệnh có thai sau khi điều trị I131 ít nhất 6 tháng, kết quả so với nhóm chỉ phẫu thuật đơn thuần.

(Theo Hye Ok Kim và cộng sự, 2020)

 

TỔNG KẾT CỦA BS TUẤN:

Theo các khuyến cáo và phân tích, sau khi được điều trị I131 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên được thực hiện các biện pháp tránh thai hiệu quả. Tránh việc có thai sau điều trị trước 6 tháng, nếu có nhu cầu mang thai, nên có sau 6 tháng, các chị em có lo lắng nhiều thì có thể trì hoãn sau 1 năm.
Nếu như không may có thai ngoài ý muốn trong khoảng 6 tháng – 1 năm kể từ khi uống I131 thì vẫn có thể yên tâm, vì các nguy cơ sảy thai, dị tật bẩm sinh không phải quá lớn, và không khác nhau nhiều nếu như có thai sau 1 năm từ khi điều trị.
Nếu có thai, chị em hãy cứ bình tĩnh, theo dõi quá trình mang thai thật cẩn thận. Ngoài việc khám chuyên khoa sản để phát hiện dị tật bẩm sinh sớm, thì cần theo dõi sát tình trạng hormon và canxi máu để điều chỉnh cho kịp thời. Việc để bị suy giáp trong quá trình mang thai cũng là 1 trong các nguyên nhân gây sảy thai.


Chúc chị em luôn mạnh khỏe và bình an!